Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau 2 năm vắng bóng, bệnh dại đã trở lại với 2 trường hợp tử vong tại huyện Chương Mỹ (ngày 7/5) và tại huyện Sóc Sơn (10/5).
“Để phòng được bệnh trên người thì phải ngăn được bệnh trên đàn chó, mèo… Việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp. Người dân bị chó cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắcxin phòng dại”, ông Hạnh khuyến cáo.
Ngoài Hà Nội, từ đầu năm đến nay cả nước cũng ghi nhận các ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa có 3 ca tử vong; Yên Bái và Tuyên Quang mỗi nơi 2 ca…
Bộ Y tế nhận địch, bệnh dại có thể gia tăng vào mùa hè do các ổ dịch dại trên đàn chó tăng trong thời gian này.
Bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở Việt Nam. Nguồn lây bệnh chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo. Những gia đình nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ.
Bệnh không phát ngay, nhưng có thể mắc bệnh chỉ với vết trầy xước nhỏ. Đến lúc phát bệnh thì đã quá muộn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày.
Sau một thời gian dài liên tục giảm, từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, từ 2001 đến 2003 mỗi năm có khoảng 30 ca tử vong vì bệnh này. Năm 2007, số ca tử vong tăng lên 131. Năm 2013, cả nước ghi nhận 90 ca tử vong do dại.