Tuesday, 24 Dec 2024
Tin tức

Ngành Y phải ngậm đắng nuốt cay mà nhịn nhục!

Điều trị bệnh sởi cho trẻ ở Bệnh viện Nhi TW

Trên đây là một trích đoạn trong bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn, đăng trên trang cá nhân của mình. Để rộng đường dư luận, Một Thế Giới xin đăng lại bài viết của bác sĩ Sơn. Tít tựa, lời dẫn do Một Thế Giới đặt.  
Lẽ ra phòng chống dịch bệnh phải hiệu quả hơn
Sởi là một loại bệnh khá thường gặp. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, nhà luôn có hoa kim ngân, dùng để cho trẻ bị mắc sởi uống, với ý muốn là uống xong sởi sẽ phát ra và bay đi, không bị “lặn” vào trong. Sau khi vào Nam, mới thấy ở miền Nam ít có sởi như ngoài Bắc.
Vì không làm trong y tế dự phòng nên tôi không biết từ bao giờ ngành y tế chúng ta quan tâm đến sởi như một bệnh dịch. Khi đi học thì tôi mới biết sởi nguy hiểm và nó cũng có thể làm chết người.
Ngay từ hồi tôi sinh cháu đầu lòng đã có vắc xin ngừa sởi và mọi người dân ở thành phố gần như đều tuân thủ việc phòng ngừa các bệnh này.
Theo tôi biết, Việt nam đã từng là một trong các nước có nền y tế dự phòng rất hiệu quả. Những thành quả của chúng ta trong đại dịch SARS đã minh chứng điều đó. Trước đó, mắt hột, sốt rét là những căn bệnh mà chúng ta đã khống chế thành công với sự đóng góp không nhỏ của y tế.
Duy chỉ có dịch sốt xuất huyết là chúng ta chống đỡ khó khăn. Và bây giờ, sởi ở miền Bắc cũng đang hoành hành. Sắp tới đây, những dịch bệnh liên quan đến ăn uống như dịch tả không biết có phát triển đến mức không khống chế nổi hay không?
Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là phương châm mà ông cha ta và các nhà lãnh đạo trong nhiều thời kì của đất nước đều cổ vũ. Chính vì vậy mà nước ta đã trở thành một trong những nước đầu tiên tham gia “Tuyên bố Alma Ata”. Từ thời gian đó, dù đất nước đang còn rất khó khăn, công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta đạt được những bước tiến lớn.
Ngày nay, đất nước ta giàu có hơn so với những năm tháng khó khăn sau chiến tranh, và theo tôi biết thì so với ngay cả lúc cực thịnh của miền Nam trước năm 1975, chúng ta có nhiều nhà cao tầng hơn, có nhiều xe hơi đẹp hơn, hàng hóa có nhiều hơn, mức sống của đa số người dân cao hơn, ngành y tế cũng có nhiều trang thiết bị hiện đại hơn.
Như vậy, lẽ ra công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta phải hiệu quả hơn chứ!?

Một bệnh nhân nhi đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi TW

“Ngành y thấp cổ bé miệng nhất”
Sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự tha hóa của một bộ phận lớn các cán bộ lãnh đạo, sự phát triển của tham nhũng trên một bình diện lớn đã xói mòn niềm tin của người dân. Sự bức xúc trong nhân dân tăng cao với những vấn đề xã hội, và cả với những chủ trương, chính sách phần nhiều mang lại sự khó khăn trong cuộc sống cho người dân. Nhu cầu xả các bức xúc trong nhân dân tăng cao.
Công an, hải quan, thuế vụ, giao thông vận tải, điện lực, các cơ quan quản lí nhà nước… tiêu cực tràn lan, tham nhũng lộng hành. Nhưng đó là các cơ quan nhà nước hoặc các công cụ chuyên chính. Nói đến họ là phải có sức mạnh. Sự “trở cờ” trong vụ PMU 18 là một minh chứng cho việc chống tham nhũng thất bại đối với các cơ quan nói trên.

Trong khi đó, nhu cầu xả bức xúc trong nhân dân vẫn rất cao. Ngành y là thấp cổ bé miệng nhất. Mọi sự bực tức, mọi sự căm giận đều đổ dồn vào đó. Ngành y không có vũ khí gì trong tay. Vũ khí của ngành y chỉ có là làm hại cho những người công kích mình, mà như vậy thì ngược với y đức. Gần như không một thầy thuốc nào đang tâm làm cái việc bại hoại đó. Vậy là cứ ngậm đắng nuốt cay mà nhịn nhục.
Không có gì dễ hơn việc đổ mọi tội lỗi lên đầu người không có khả năng phản kháng. Không có gì dễ hơn việc xả mọi bức xúc vào cái ngành không có khả năng phản kháng. Xã hội ta đã làm việc đó. Những biến chứng của chích ngừa đã được tất cả các phương tiện truyền thông săm soi đến từng chi tiết. Ngành y được vẽ ra như những tên tội đồ. Khi Bộ Y tế vận động chích ngừa, dư luận cho rằng Bộ Y tế chỉ muốn tiêu thụ số vắc xin đã mua.
Với sự lớn tiếng của truyền thông như vậy, dĩ nhiên là người dân sợ, không dám đưa con đi chích ngừa. Mà không chích ngừa thì làm sao mà không có dịch. Có thể nói, trách nhiệm về dịch sởi lần này không thể chỉ nói đến ngành y. Thật là đau xót khi những thầy thuốc phòng dịch không có điều kiện làm phòng mạch, chấp nhận cuộc sống túng bấn để quần quật làm việc, kêu gọi… Không ai nghe họ, rồi bây giờ đổ mọi tội lỗi lên đầu họ.
Cứ ngập nước hoài, muỗi cứ tự do sinh sôi nảy nở thì làm sao mà chống được sốt xuất huyết. Sắp tới đây, sẽ còn có thể có những đại dịch liên quan đến ăn uống. Ngành y không kiểm soát được hàng quán. Thuế cứ thu, quản lí thị trường cứ cho qua, mọi người cứ ăn sướng miệng, càng rẻ càng ôi càng ăn nhiều…
Ngành y chỉ “đổ vỏ” cho các ngành khác thôi, nhưng cứ có chuyện gì là dư luận lại đổ lên đầu ngành y.

Một bệnh nhân nhi đang được điều trị ở phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi TW

“Bà Bộ trưởng Y tế cũng chỉ là một quan trọc đầu”

Nhiều người không ưa Bộ trưởng Y tế. Có cả một nick “Bộ trưởng Y tế hãy từ chức”. Trong các Bộ trưởng thì Bộ trưởng Y tế thấp cổ bé miệng nhất. Cứ thử làm một cái nick tương tự với Bộ Công An hay Bộ Quốc phòng xem. Biết tay ngay. Nhưng ai mà dại. Người ta bảo nắm thì nắm thằng có tóc, nhưng chửi thì phải chửi thằng trọc đầu.

Có người đòi Bộ trưởng Y tế từ chức vì không có tướng làm quan. Cái áo không làm nên thầy tu. Tôi có nhiều điều không đồng ý với Bộ trưởng Y tế, nhất là các phát ngôn rất có chất không chính khách, dễ bị bắt bẻ của Bà.

Chưa kể có người còn ca cẩm là Bà làm việc không giống như Bộ trưởng, nghĩa là Bà còn chưa thông thạo lắm về cái đạo làm quan. Rõ ràng Bộ trưởng Y tế không phải là một chính trị gia.

Tôi không có ý định nịnh Bà Bộ trưởng, vì nói cho cùng Bà cũng chỉ là một quan trọc đầu. Nhưng tôi nghĩ không chính khách lại có cái hay của nó. Ngành y tế cần có những việc làm thiết thực.

Bà Bộ trưởng Y tế đã làm một số việc thực sự thiết thực mà các đời Bộ trưởng khác không làm, ví dụ như tăng viện phí, ví dụ như ngay vào lúc mà dư luận nóng bỏng với chích ngừa, Bà vẫn khuyên mọi người đưa con đi chích vắc xin…

Còn nhớ khi Bà Bộ trưởng ngày nay vừa nhậm chức, có một vụ việc liên quan đến dịch. Bà thì gọi là dịch, nhưng theo qui định này nọ thì phải các nhà khác ngoài y tế mới có quyền công bố dịch, và khi đó mới được gọi là dịch.
Cho nên dịch sởi lần này, Bộ Y tế không công bố dịch. Tuy nhiên, trong các văn bản Bộ Y tế vẫn gọi là dịch sởi, và vẫn xử lí như một vụ dịch. Tôi cho đó là dũng cảm trong môi trường của chúng ta.
Như chúng ta đã biết. Công bố dịch không phải quyền của ngành y tế. Bạn Thích Tĩnh Lặng đã phân tích, công bố dịch còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, và do UBND cấp tỉnh, thành phố và chính phủ quyết định, không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Vậy tại sao cứ đổ lên đầu y tế?
Và như tôi đã nói ở trên, đối với ngành y tế, từ Bộ trưởng cho đến các nhân viên thấp nhất, vẫn quan niệm rằng dịch sởi đang xảy ra. Và không phải khi dịch sởi xảy ra chúng ta mới biết. Chúng ta đã kêu gào chích ngừa. Ngay trên fb, nhiều bác sĩ đã lo ngại khi dư luận tuyên truyền quá lố về các biến chứng của chích ngừa.

 

Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất bây giờ là phải làm sao dập tắt dịch, hạn chế số trẻ tử vong, hãy tập trung vào đó. Dư luận hãy đừng làm tổn thương ngành y nữa, chúng tôi đang còn bận chống dịch, và cũng đâu có khả năng phản kháng.

BS. Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế EXSON

Chuyên gia về cột sống – tủy sống, xương, khớp và đau

 

Theo VietBao.vn (VB- Theo Một Thế Giới)

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn benhvienmongcai.vn.
Copyright © 2022 - 2024 | benhvienmongcai.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status