Saturday, 5 Oct 2024
Chăm sóc trẻ

Có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không? Cần lưu ý gì?

Nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh là cách loại bỏ chất nhờn và các loại vi khuẩn, phòng tránh các bệnh về đường hô hấp đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu rõ về việc có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hằng ngày hay không. Hãy cùng các chuyên gia giải đáp câu hỏi về vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh qua bài viết dưới đây.

Nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh khi nào?

Thời tiết thay đổi đột ngột rất dễ làm trẻ mắc các bệnh về mũi, họng. Lúc này, mẹ cần vệ sinh mũi cho bé để điều trị chứng viêm mũi, đồng thời phòng cách bệnh về đường hô hấp. Chỉ khi rửa mũi đúng cách, chất nhờn, dị vật, vi khuẩn trong mũi bé mới bị loại bỏ, nhờ đó bé dễ thở hơn.

Dịch mũi của trẻ trong những ngày đầu ủ bệnh thường trong, loãng và không nhiều. Càng về sau, dịch chảy nhiều và đặc sệt, đồng thời chuyển màu vàng hoặc xanh, có mùi tanh nếu bệnh nặng hơn do vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, dịch mũi chứa vi khuẩn chảy xuống họng, gây viêm họng hoặc chảy vào tai gây bệnh viêm tai giữa.

Do đó, việc vệ sinh mũi cho trẻ trong những trường hợp trên là vô cùng cần thiết. Trong những tình huống trên, ba mẹ nên sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorid (0,9%) để nhỏ mũi và làm sạch mũi cho trẻ. Ngoài ra, việc thường xuyên nhỏ mũi cho trẻ đem lại một số lợi ích như:

  • Làm sạch khoang mũi, cải thiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi và khó thở ở trẻ nhỏ.
  • Phòng tránh các bệnh về đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, giảm thiểu tình trạng kích ứng mũi.
  • Khoang mũi được làm sạch sẽ giúp bé có cảm giác dễ chịu hơn, hít thở dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn.
Các bậc phụ huynh nên nhỏ mũi cho bé khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi
Các bậc phụ huynh nên nhỏ mũi cho bé khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi

Có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không?

Việc nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé. Vậy có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày hay không? Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, việc nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày là không nên. Nhỏ mũi cho bé có thể loại bỏ bã nhầy, tiêu trừ vi khuẩn gây hại, tuy nhiên, việc lạm dụng nhiều sẽ khiến niêm mạc mũi của trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mẹ không nên nhỏ mũi hàng ngày cho trẻ sơ sinh, trừ những trường hợp dịch mũi của bé đặc quánh, không thể tự chảy hoặc mắc các bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì mẹ có thể cân nhắc tần suất sử dụng. Dưới đây là tần suất nhỏ mũi hợp lý dành cho trẻ nhỏ mà ba mẹ có thể tham khảo:

Đối với trẻ khỏe mạnh

Các bậc phụ huynh nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh bằng dung dịch nước muối sinh lý từ 2 – 3 lần/ tuần để vệ sinh khoang mũi, tránh các tổn thương về niêm mạc. Đồng thời, việc vệ sinh mũi đúng cách giúp phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang vô cùng hiệu quả.

Đối với trẻ bị nghẹt mũi

Khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi, khò khè, nghẹt mũi, khó thở, mẹ nên nhỏ mũi cho trẻ từ 2 – 3 lần/ ngày. Tần suất này sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn và chất nhầy giúp trẻ có thể dễ dàng hô hấp hơn. Tuy nhiên, cơ địa của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé, khi trẻ có dấu hiệu nghẹt mũi, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và nhận lời khuyên của bác sĩ về tần suất nhỏ mũi cho trẻ một cách hợp lý. Đặc biệt, đối với những bé mắc vấn đề về đường hô hấp, cần có sự chỉ định của bác sĩ điều trị, không nên tự ý điều trị cho bé tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thông thường, nước muối nhỏ mũi cho trẻ là muối đẳng trương, nồng độ 0,9%. Với trường hợp bé bị gỉ mũi đặc, sổ mũi hoặc nghẹt mũi do phù nề thì mẹ nên sử dụng muối ưu trương nhỏ mũi cho trẻ để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Đối với trẻ thường xuyên tiếp xúc khói bụi

Với những bé thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, ba mẹ cần nhỏ mũi cho trẻ từ 2 – 3 lần/tuần. Việc nhỏ mũi cho bé sẽ làm sạch khoang mũi, giúp bé dễ dàng hít thở hơn. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng dẫn đến tổn thương niêm mạc của trẻ nhỏ. Do hệ hô hấp của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, ba mẹ cần chú ý hạn chế tối đa việc bé tiếp xúc với môi trường khói bụi và ô nhiễm.

Bố mẹ không nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày
Bố mẹ không nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày

Tác hại khi nhỏ mũi quá nhiều cho trẻ sơ sinh

Trong quá trình chăm sóc, vệ sinh mũi cho trẻ nhỏ, mỗi bậc phụ huynh cần làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bé. Bên cạnh những phụ huynh đã hiểu về việc có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày, một số ba mẹ chưa tìm hiểu đầy đủ thông tin và lạm dụng nhỏ mũi quá nhiều đối với trẻ có thể dẫn đến các tác hại như:

Mũi của trẻ mất khả năng đề kháng

Mũi trẻ nhỏ có cơ chế tự làm sạch, ngăn chặn các vi khuẩn và bụi bẩn tấn công nhờ chất dịch nhầy có sẵn. Do đó khi nhỏ mũi nhiều, chất nhầy sẽ bị rửa trôi khiến mũi bị thiếu độ ẩm, dễ mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, ngạt mũi,…

Niêm mạc mũi bị tổn thương

Cũng như việc mất khả năng đề kháng, việc nhỏ mũi nhiều khiến mũi mất đi độ ẩm vốn có, gây ra hiện tượng tổn thương niêm mạc, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe. Niêm mạc mũi bị tổn thương sẽ khiến trẻ dễ xảy ra các tình trạng đau, rát mũi khó chịu.

Dễ mắc các bệnh về mũi, đường hô hấp

Lạm dụng nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh quá nhiều khiến niêm mạc tổn thương, khả năng đề kháng của mũi suy giảm sẽ dẫn đến việc trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm xoang, viêm mũi, nghẹt mũi và khó thở. Trong những trường hợp này, ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa, bệnh viện uy tín để thăm khám và có phương pháp điều trị bệnh.

Những tác hại của việc nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh quá nhiều
Những tác hại của việc nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh quá nhiều

Lưu ý khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh

Quá trình chăm sóc và vệ sinh cho trẻ chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều sai sót. Do đó, ba mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi điều trị tại nhà cho bé. Dưới đây là một số lưu ý đặc biệt dành cho phụ huynh tham khảo khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh:

  • Nhỏ mũi cho trẻ khi có hiện tượng khò khè, đờm đặc, nghẹt mũi,…
  • Trong quá trình nhỏ mũi cho bé, ba mẹ cần thao tác nhẹ nhàng, tránh việc làm cho bé tổn thương.
  • Tuyệt đối không nên rửa mũi hoặc hút đờm dãi quá 3 lần/ngày.
  • Trước khi nhỏ mũi cho bé, ba mẹ nên vệ sinh tay sạch sẽ để tránh trường hợp nhiễm trùng.
  • Nếu việc nhỏ mũi không mang lại hiệu quả như mong muốn, mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn biện pháp điều trị tốt hơn.
  • Đối với những trẻ có vấn đề bệnh về đường hô hấp, ba mẹ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý điều trị tại nhà cho trẻ.
  • Trong trường hợp bé bị nghẹt mũi lâu không khỏi hoặc có các dấu hiệu bất thường về đường hô hấp: khó thở, da tím tái,… ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để điều trị.
Những lưu ý nhất định phải biết khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh
Những lưu ý nhất định phải biết khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp câu hỏi “Có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không” mà nhiều mẹ bỉm quan tâm. Hy vọng các bậc phụ huynh có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc vệ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà. Bên cạnh đó, ba mẹ cần tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ điều trị để có phương pháp chăm sóc và vệ sinh mũi cho bé một cách an toàn, hiệu quả nhất.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn benhvienmongcai.vn.
Copyright © 2022 - 2024 | benhvienmongcai.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status