Saturday, 20 Apr 2024
Chăm sóc trẻ

Tắc tuyến lệ là gì? Thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không?

Tắc tuyến lệ là một tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều biện pháp để xử lý tình trạng này, một trong số đó là thông tuyến lệ. Vậy thông tuyến lệ là gì? Thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không? Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về tình trạng tắc tuyến lệ và kỹ thuật này.

Hiện tượng tắc tuyến lệ (lệ đạo) là gì?

Nắm rõ thông tin về bệnh trước khi tìm hiệu một phương pháp điều trị là vô cùng cần thiết. Trước tiên, bạn cần biết tắc tuyến lệ hay lệ đạo là gì, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân cũng như các biến chứng và phương pháp điều trị. 

Khái niệm

Lệ đạo là một hệ thống ống có cấu tạo rất đặc biệt, được bắt đầu bằng điểm lệ ở gốc trong mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới của con người. Hệ thống lệ đạo gồm có lễ lệ, túi lệ, lệ quản, ống lệ mũi. Hệ thống này giúp tạo nên một quy trình hoàn chỉnh, nước mắt sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt của nhãn cầu sẽ được dồn về gốc trong mắt và dẫn qua lệ đạo xuống mũi.

Tắc tuyến lệ đạo khiến trẻ em chảy nước mắt kể cả khi không khóc
Tắc tuyến lệ đạo khiến trẻ em chảy nước mắt kể cả khi không khóc

Theo cơ chế bình thường, nước mắt chỉ chảy ra khi con người xuất hiện những cảm xúc thái quá như đau khổ, buồn bã, giận dữ hay có vật gì bay vào mắt,… Trong trường hợp không có cảm xúc gì mà nước mắt vẫn trào ra hoặc thậm chí rơi thành giọt lã chã thì người bệnh rất có thể mắc bệnh tắc lệ đạo, hay tắc tuyến lệ.

Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em sẽ khiến cho trẻ khi khóc bị chảy cả nước mũi, phần tắc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ lệ quản, điểm lệ,… Khi bé bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ bị chảy trào ra ngoài, trường hợp bị tắc kéo dài sẽ bị ứ đọng tại vị trí túi lệ và gây ra tình trạng nhiễm trùng tuyến lệ, tắc lệ đạo có mủ, túi lệ bị viêm, đặc biệt là khi ấn vào vùng góc trong mắt.

Dấu hiệu

Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em thường xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Trẻ thường hay bị ra gỉ mắt và chảy nước mắt, hiện tượng này sẽ gia tăng khi trời lạnh, nắng hoặc gió,…
  • Buổi sáng khi thức dậy trẻ thường có hành động day mắt và có nhiều gỉ vàng dính quanh mí mắt.
  • Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như khóc do hiện tượng đọng nước mắt ở khe mi.
  • Trẻ bị đỏ da bờ mi mắt do hay day mắt và hiện tượng giả viêm kết mạc.
Trẻ hay bị chảy gỉ mắt là một dấu hiệu nhận biết tắc lệ đạo
Trẻ hay bị chảy gỉ mắt là một dấu hiệu nhận biết tắc lệ đạo

Ở trẻ sơ sinh, những dấu hiệu của bệnh tắc lệ đạo có dễ nhận biết hay không còn phụ thuộc vào việc trẻ bị tắc hoàn toàn hay tắc một phần, trường hợp tắc lệ đạo một phần thì phải một thời gian sau mới có thể nhận ra và việc chữa tắc lệ đạo sẽ gặp khó khăn hơn so với phát hiện sớm.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ em bao gồm:

  • Không có hoặc hẹp điểm lệ nằm ở góc trong của mắt (là điểm khởi đầu của ống lệ đạo).
  • Dò ống lệ mũi bẩm sinh.
  • Tắc lệ đạo bẩm sinh: thường gặp khoảng 50% trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên đầu dưới của ổng lệ mũi còn màng tắc, hoặc do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
  • Bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo, gặp trong hội chứng Down.
  • Polyp mũi làm tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi có thể là nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh.
  • U: bất kỳ một khối u nào có khả năng gây chèn ép ống dẫn nước mắt đều là nguyên nhân của tắc lệ đạo.

Biến chứng

Tắc lệ đạo không phải bệnh hiếm gặp, cũng không quá phức tạp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm mủ túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc; gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt; gây rò túi lệ (trong trường hợp apxe vỡ).

Phương pháp điều trị

Cần có phương pháp điều trị tắc lệ đạo kịp thời để phòng ngừa các biến chứng
Cần có phương pháp điều trị tắc lệ đạo kịp thời để phòng ngừa các biến chứng

Cách chữa trị đối với trẻ sơ sinh có tắc lệ đạo:

  • Nếu không có điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo.
  • Nếu dò túi lệ thì điều trị bằng phẫu thuật đóng lỗ dò. 
  • Nếu do tắc ống lệ mũi bẩm sinh thì tùy theo độ tuổi của trẻ mà có chỉ định điều trị phù hợp. Trẻ tắc lệ đạo trước 3 tháng tuổi: day (mát-xa) vùng túi lệ, không cần thông vì tỷ lệ tự khỏi rất cao trong thời gian này. Vệ sinh mi mắt bằng nước muối sinh lý, nhỏ tại chỗ nếu có dấu hiệu viêm. Từ 3 đến 8 tháng tuổi: có thể bơm thông lệ đạo hoặc tra thuốc và day vùng túi lệ tùy theo tình trạng biến chứng hoặc tiến triển của bệnh. Sau 8 tháng tuổi: nên thông lệ đạo vì tỷ lệ tự khỏi của bệnh đã giảm xuống dưới 50%. Sau 1 năm tuổi: thông lệ đạo vẫn có thể không giải quyết được tình trạng tắc, trẻ nên được phẫu thuật nối thông túi lệ – mũi.

Tắc tuyến lệ khi nào cần thông?

Có rất nhiều biện pháp để khắc phục và chữa trị tắc tuyến lệ. Vì vậy, tùy thuộc vào đặc điểm của bệnh nhân cũng như tình trạng bệnh để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Kỹ thuật thông tuyến lệ là gì?

Kỹ thuật thông tắc tuyến lệ bao gồm 4 phương pháp chính:

  • Đặt luồng ống thông: phương pháp này mở các tắc nghẽn thu hẹp trong hệ thống ống nước mắt bằng các ống nhỏ silicon hoặc polyurethane.
  • Giãn thông qua ống thông bóng: đối tượng được chỉ định thường là trẻ sơ sinh, trẻ đang tập đi hoặc người mắc bệnh tắc tuyến lệ một phần. Phương pháp này giúp mở các đoạn tuyến lệ bị thu hẹp hoặc bị chặn bởi sẹo, viêm,…
  • Phẫu thuật mở túi lệ xuống đến tận mũi: giúp mở lối thoát nước mắt vào mũi. Thường được chỉ định cho các đối tượng sử dụng 2 phương pháp trên mà không hiệu quả hoặc đối tượng chống chỉ định ống thông.
  • Nội soi: đây là phương pháp có nhiều ưu điểm như quá trình hồi phục nhanh, không có sẹo. Tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao bằng mổ mở.
Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thông tuyến lệ cho trẻ
Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thông tuyến lệ cho trẻ

Chỉ định thông tuyến lệ

Bơm thông lệ đạo chỉ nên thực hiện khi trẻ được 6 tháng tuổi trở lên. Nếu có bội nhiễm, nhiều nhầy mủ trong túi lệ thì có thể chỉ định thông sớm hơn, nhưng không nên thông trước 2 tháng tuổi vì nguy cơ cao xảy ra biến chứng. Thông muộn (sau 1 tuổi) tỉ lệ thành công giảm. Có thể thông lại lần 2 nếu bị tắc lại nhưng phải cách lần 1 ít nhất 2 tuần. Nếu sau 3 lần thông đúng kỹ thuật mà không khỏi thì trẻ có thể bị dị dạng ống lệ mũi, cần phẫu thuật. Cần đưa trẻ đến bác sĩ khám để đánh giá đúng tình trạng bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Chỉ định bơm rửa lệ đạo: chuẩn bị trước các phẫu thuật có can thiệp vào nội nhãn như đục thủy tinh thể, glocom, một số trường hợp điều trị viêm loét giác mạc, các trường hợp nghi ngờ tắc hẹp lệ đạo, trước khi tiến hành thông lệ đạo.

Chỉ định thông lệ đạo: các trường hợp chảy nước mắt hoặc mủ do chít hẹp điểm lệ, tắc lệ quản ngang hoặc ống lệ mũi.

Chống chỉ định 

Chống chỉ định thông tuyến lệ cho những đối tượng bị áp xe túi lệ.

Những lưu ý khi thông tuyến lệ 

Người thực hiện: 

Bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa mắt đã được đào tạo.

Kỹ thuật thông lệ đạo được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở uy tín
Kỹ thuật thông lệ đạo được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở uy tín

Người bệnh: 

Cần được giải thích về mục đích của phẫu thuật, nếu là trẻ em thì cha mẹ sẽ được giải thích.

Thực hiện kỹ thuật:

  • Người bệnh nằm ngửa trên bàn. Nếu là trẻ em thì cần có người giữ cùng.
  • Tra thuốc thuốc tê bề mặt 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 phút.
  • Người làm thủ thuật đứng ở phía đầu người bệnh.

Bơm lệ đạo:

Cách làm: Thường bơm nước vào lệ quản dưới. Một tay kéo da mí dưới xuống dưới và ra ngoài để cố định mi và điểm lệ. Tay kia cầm bơm tiêm, đưa kim thẳng góc từ trên xuống vào qua điểm lệ 1mm. Quay bơm tiêm 900 vào lệ quản ngang, song song bờ mi đến túi lệ, khi chạm vào thành xương thì lùi lại 1mm và từ từ bơm nước vào.

Kết quả:

  • Nước xuống miệng chứng tỏ lệ đạo thông.
  • Phải bơm thật mạnh nước mới xuống miệng hoặc nước vừa xuống miệng vừa trào điểm lệ trên chứng tỏ lệ đạo thông nhưng bị hẹp.
  • Nước trào tại chỗ là tắc lệ đạo ở lệ quản dưới.
  • Nước trào ra lệ quản trên: tắc đoạn nào đó từ cổ túi lệ trở xuống ống lệ mũi.
  • Khi lệ đạo tắc có nhiều mủ thì cần rửa sạch sau đó mới tiến hành thông lệ đạo.

Thông lệ đạo:

Giải phẫu mắt và các vị trí có thể thông để khắc phục tình trạng tắc tuyến lệ
Giải phẫu mắt và các vị trí có thể thông để khắc phục tình trạng tắc tuyến lệ

Thông điểm lệ: dùng 1 tay kéo da mi để bộc lộ điểm lệ. Trường hợp điểm lệ quá nhỏ có thể tra xanh metylen hoặc thuốc đỏ để phát hiện dễ hơn. Tay kia cầm que nong đầu nhọn đưa vào điểm lệ vuông góc với bờ mi, khi que nong vào được 1mm, xoay ngang que nong 90 độ sao cho song song với bờ mi và đẩy vào trong vừa đẩy vừa xoay tròn que nong để nong rộng điểm lệ. Khi que không vào được nữa rút que nong ra.

Thông lệ quản ngang: dùng que nong nong rộng điểm lệ.Đưa que thông vào điểm lệ 1mm sau đó vào lệ quản ngang sau khi xoay ngang 90 độ cho đến khi đầu que thông chạm vào túi lệ và thành xương. Khi que thông đi qua chỗ chít hẹp thì xoay tròn que thông và đẩy từ từ vào trong.

Thông ống lệ mũi: dùng que nong nong rộng điểm lệ. Đưa que thông vào điểm lệ 1mm vuông góc với bờ mi, sau đó xoay ngang que thông 90 độ và tiếp tục đẩy que thông đi song song với bờ mi. Nếu khó đẩy que thông thì cần kéo căng da mi ra phía ngoài để lệ quản ngang nằm thẳng, que thông sẽ vào dễ hơn. Khi đầu que thông chạm vào thành xương (que vào khoảng 1 – 1,5cm) xoay que thông lên phía trên một góc 90 độ sau đó đẩy từ từ xuống phía dưới theo hướng ống lệ mũi (khi đẩy đầu que thông luôn luôn chạm vào thành xương). Rút que thông ra, bơm nước lệ đạo để kiểm tra. Nếu thông chưa được thì khoảng thời gian giữa hai lần thông ít nhất là 1 tuần.

Thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không?

Thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không?
Thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không?

Tùy thuộc vào mức độ gây mê hoặc tê mà khả năng bị đau sau khi thực hiện ở trẻ cao hay thấp:

Bơm thông lệ đạo gây tê tại chỗ: 

  • Ưu điểm: dễ thực hiện ở hầu hết các bệnh viện, chi phí thấp. 
  • Nhược điểm: trẻ thường đau nhiều sau khi làm thủ thuật, các biến chứng chảy máu nhiễm trùng có thể xảy ra do trong quá trình thực hiện thủ thuật do trẻ giãy lắc đầu, một số trẻ bị sang chấn tâm lý sau thông lệ đạo gây tê.

Bơm thông lệ đạo gây mê: 

  • Ưu điểm: thực hiện dễ dàng nhất là trên các trẻ lớn, bơm rửa được triệt để hơn, ít tái phát hơn, trẻ ít đau, hạn chế các sang chấn tâm lý. 
  • Nhược điểm: một số cơ sở y tế chưa thực hiện được do khó khăn về gây mê Nhi, chi phí cao.

Dù có bị đau hay không thì khả năng xảy ra các biến chứng sau thủ thuật luôn hiện diện. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến một số biến chứng sau và cách xử trí: 

  • Chảy máu: chảy máu ở mũi hoặc điểm lệ do đầu que thông làm xước niêm mạc lệ đạo hay niêm mạc mũi. Dùng ngón tay hoặc cục bông ấn nhẹ vào vùng lệ đạo một lúc cho đến khi hết chảy máu.
  • Que thông đi sai đường: cách xử trí như đối với biến chứng chảy máu, nếu phù nề nhiều có thể băng ép và dùng thuốc chống phù nề.

Thông tuyến lệ được coi là một biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh. Cập nhật và nắm vững thông tin về bệnh và kỹ thuật này là một việc làm cần thiết đối với các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc con trẻ. Mong bài viết này đã giúp được quý bạn đọc giải đáp các thắc mắc, nỗi băn khoăn như thông tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có đau không?

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn benhvienmongcai.vn.
Copyright © 2022 - 2024 | benhvienmongcai.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status